Vũ An tiết độ sứ của Đường Mã_Ân

Khi Mã Ân nắm quyền cai quản Vũ An, ông lo sợ trước sức mạnh của Hoài Nam tiết độ sứ Dương Hành Mật và Kinh Nam[chú 13] tiết độ sứ Thành Nhuế (成汭), do vậy ông định đem vàng và lụa đến tặng để kết giao. Mưu chủ Cao Úc (高郁) chỉ ra rằng Thành Nhuế không mạnh như ông nghĩ, còn Dương Hành Mật thì có thù với ông và không thể xoa dịu bằng của cải. Theo ý của Cao Úc, Mã Ân tập trung vào việc an phủ sĩ dân, huấn tốt lệ binh, xây dựng bá nghiệp, chống lại kẻ thù.[13]

Năm 897, Trương Cát bắt được Tưởng Huân, Thiệu châu về tay Mã Ân. Tuy nhiên, đương thời Vũ An về mặt pháp lý bao gồm 7 châu, song Mã Ân mới chỉ thực sự kiểm soát Đàm châu và Thiệu châu; 5 châu còn lại trên thực tế nằm trong tay các thủ lĩnh khởi nghĩa nông dân: Dương Sư Viễn (楊師遠) chiếm Hành châu[chú 14], Đường Thế Mân (唐世旻) chiếm Vĩnh châu[chú 15]; Thái Kết (蔡結) chiếm Đạo châu[chú 16]; Trần Ngạn Khiêm (陳彥謙) chiếm Sâm châu[chú 17]; và Lỗ Cảnh Nhân (魯景仁) chiếm Liên châu[chú 18]. Theo ý của bộ tướng Diêu Ngạn Chương (姚彥章), Mã Ân khiển Lý Quỳnh và Tần Ngạn Huy (秦彥暉) tiến công Hành châu và Vĩnh châu, kết quả nhanh chóng thắng lợi; Dương Sư Viễn chết trong lúc chạy trốn, còn Đường Thế Mân bị quân Mã Ân giết. Năm 899, Mã Ân khiển Lý Đường (李唐) tiến công Đạo châu, thoạt đầu bị Thái Kết đẩy lui, song sau đó Lý Đường giành được thắng lợi và giết chết Thái Kết, đoạt lấy Đạo châu. Cuối năm 899, Lý Quỳnh bắt giữ và xử tử Trần Ngạn Khiêm, Lỗ Cảnh Nhân tự sát khi Lý Quỳnh tiến công Liên châu, Mã Ân nay kiểm soát được toàn bộ 7 châu của Vũ An quân.[14] Đường Chiêu Tông bổ nhiệm Mã Ân làm Vũ An tiết độ sứ.[7]

Khi Tĩnh Giang[chú 19] tiết độ sứ Lưu Sĩ Chính (劉士政) hay tin Mã Ân bình định được Vũ An, ông ta trở nên lo sợ và phái phó sứ Trần Khả Phan (陳可璠) đem quân đến đồn trú tại Toàn Nghĩa Lĩnh[chú 20] để đề phòng khả năng bị Mã Ân tiến đánh. Khi Mã Ân khiển sứ giả đến chỗ Lưu Sĩ Chính kết thân, Trần Khả Phan chống lại. Năm 900, Mã Ân khiển Tần Ngạn Huy và Lý Quỳnh đem 7.000 quân tiến công Tĩnh Giang. Họ nhanh chóng đánh bại quân của Lưu Sĩ Chính, giết Vương Kiến Vũ (王建武) và bắt giữ Trần Khả Phan. Quân Vũ An bao vây quân thành Quế châu, và Lưu Sĩ Chính đầu hàng sau vài ngày bị bao vây, Mã Ân nay đoạt được 5 châu của Tĩnh Giang: Quế, Nghi, Nham, Liễu, Tượng. Mã Ân bổ nhiệm Lý Quỳnh làm Tĩnh Giang tiết độ sứ.[15]

Năm 902, trong lúc đang ở Phượng Tường[chú 21] dưới quyền khống chế của hoạn quan Hàn Toàn Hối và Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh, còn Chu Toàn Trung thì bao vây Phượng Tường, Đường Chiêu Tông khiển Lý Nghiễm (李儼) đến các quân ở đông nam nhằm thuyết phục các quân phiệt ở đây hội quân với Dương Hành Mật tiến công Chu Toàn Trung. Trong số các chiếu chỉ mà Lý Nghiễm tuyên, Mã An được bổ nhiệm là Đồng bình chương sự (tức tể tướng trên danh nghĩa).[16]

Năm 903, Lý Mậu Trinh buộc phải giao Đường Chiêu Tông cho Chu Toàn Trung. Sau đó, Dương Hành Mật khiển sứ giả đến gặp Mã Ân, cáo buộc Chu Toàn Trung ngang ngược, đề nghị hai bên liên minh (kết làm huynh đệ) với điều kiện Mã Ân cắt đứt quan hệ với Chu Toàn Trung. Đại tướng của Mã Ân là Hứa Đức Huân (許德勳) chỉ ra rằng Chu Toàn Trung khống chế Hoàng đế và Mã Ân không có lợi nếu tuyệt giao với người này, Mã Ân nghe theo và không chấp thuận lời đề nghị của Dương Hành Mật.[17]

Đồng minh của Chu Toàn Trung là Vũ Xương[chú 22] tiết độ sứ Đỗ Hồng nhiều năm liền bị Dương Hành Mật tiến đánh, tình thế trở nên tuyệt vọng. Chu Toàn Trung khiển bộ tướng Hàn Kình (韓勍) đem một vạn quân tiến về phía nam để cứu Đỗ Hồng, ngoài ra cũng đề nghị Thành Nhuế, Mã Ân và Vũ Trinh[chú 23] tiết độ sứ Lôi Ngạn Uy (雷彥威) suất binh cứu Đỗ Hồng. Thành Nhuế chấp thuận và dẫn một hạm đội tiến đến Vũ Xương, tuy nhiên sau khi Thành Nhuế rời khỏi thủ phủ Giang Lăng, Mã Ân thừa cơ khiển Hứa Đức Huân đem một vạn binh hợp binh với 3.000 binh dưới quyền bộ tướng Âu Dương Tư (歐陽思) của Lôi Ngạn Uy, tiến công Giang Lăng. Liên quân chiếm được Giang Lăng, cướp người và tài sản rồi rút đi. Thành Nhuế hay tin gia quyến và gia sản nay nằm trong tay Mã Ân thì mất tinh thần rồi chiến bại, sau đó tự sát. Trên đường trở về Đàm châu, Hứa Đức Huân gặp gỡ Nhạc châu[chú 24] thứ sử Đặng Tiến Trung (鄧進忠), thuyết phục Đặng Tiến Trung quy phục Mã Ân. Đặng Tiến Trung đồng ý, dâng châu cho Mã Ân và cho đưa toàn bộ gia quyến đến Đàm châu để thể hiện sự quy phục. Mã Ân bổ nhiệm Hứa Đức Huân làm Nhạc châu thứ sử, bổ nhiệm Đặng Tiến Trung làm Hành châu thứ sử.[17]

Năm 904, Dương Hành Mật biết được chỉ huy sứ Mã Tung dưới quyền mình là đệ của Mã Ân. Dương Hành Mật đề nghị đưa Mã Tung đến chỗ Mã Ân, Mã Tung thoạt đầu từ chối, nói rằng mình chịu ơn của Dương Hành Mật, song Dương Hành Mật vẫn không đổi ý. Sau khi Mã Tung đến Đàm châu, Mã Ân bổ nhiệm người đệ này làm tiết độ phó sứ. Sau đó, Mã Tung chủ trương Mã Ân và Dương Hành Mật liên minh, song Mã Ân từ chối đề xuất của Mã Tung.[18]

Năm 906, người kế vị Dương Hành Mật là Dương Ác khiển Tiên phong chỉ huy sứ Trần Tri Tân (陳知新) tiến công Nhạc châu. Trần Tri Tân giành được thắng lợi, buộc Hứa Đức Huân phải chạy trốn, Nhạc châu bị Hoài Nam thôn tính. Trong cùng năm, sau khi Dương Ác chiếm được hầu hết Trấn Nam quân và bắt tiết độ sứ Chung Khuông Thì (鍾匡時), Cát châu[chú 25] thứ sử Bành Can (彭玕) quyết định dâng Cát châu hàng Mã Ân.[18]